Võ sĩ đối kháng nghiệp dư đánh giải nước ngoài có phải xin phép hay không?
Võ sĩ nghiệp dư được hiểu là những vận động viên chơi thể thao vì niềm đam mê và không lấy sự tập luyện, thi đấu làm nghề nghiệp chính.
Theo Điều 3, Luật thể dục thể thao 2006, sửa đổi bổ sung năm 2018 có quy định về luật áp dụng chung cho các vận động viên thể dục thể thao, trong đó có các võ sĩ nghiệp dư như sau:
"Điều 3. Áp dụng Luật thể dục, thể thao
1. Hoạt động thể dục, thể thao và quản lý hoạt động thể dục, thể thao phải tuân thủ quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó"
Ủy ban Olympic Việt Nam, Liên đoàn thể thao quốc gia tại Khoản 1, Khoản 4 Điều 69 và Khoản 7, Khoản 8 Điều 71 của luật này:
"Điều 69. Nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban Ô-lim-pích Việt Nam
1. Tham gia xây dựng và phát triển phong trào thể dục, thể thao trong nước; mở rộng quan hệ về thể thao với các nước trong phong trào Ô-lim-pích quốc tế.
4. Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị cho đoàn thể thao Việt Nam tham dự các đại hội thể thao quốc tế.
Điều 71. Quyền và nghĩa vụ của liên đoàn thể thao quốc gia
7. Tổ chức, quản lý các giải thể thao quốc gia và giải thể thao quốc tế tại Việt Nam theo thẩm quyền.
8. Quản lý vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài môn thể thao; cử vận động viên, đội tuyển thể thao tham gia thi đấu quốc tế."
Mặt khác, Khoản 2 Điều 3, Điều lệ của Ủy ban Olympic Việt Nam cũng có quy định về lĩnh vực và phạm vi hoạt động như sau:
"Ủy ban là đại diện hợp pháp duy nhất cho thể thao Việt Nam trong phong trào Olympic Quốc tế."
Như vậy, võ sĩ đối kháng nghiệp dư ở Việt Nam, khi tham gia giải đấu Boxing, Muay ở nước ngoài cần căn cứ cụ thể vào từng giải đấu và quy định của Ủy ban Olympic Việt Nam hoặc Liên đoàn thể thao quốc gia quản lý môn thể thao đó để xin cấp phép tham dự.