Áp dụng quy định mới về lãi suất từ 01/01/2017
Bộ luật dân sự (BLDS) 2015 sắp tới có hiệu lực (01/01/2017), thay thế cho BLDS 2005 đề cập đến nhiều quy định mới, cụ thể, tạo nhiều điều kiện cho quan hệ giao dịch dân sự được diễn ra thuận lợi hơn, trong đó phải kể đến vấn đề lãi suất, một nội dung không thể thiếu trong hợp đồng vay tài sản.
Lãi suất là tỷ lệ mà theo đó tiền lãi được người vay trả cho việc sử dụng tiền mà họ vay từ người cho vay. Lãi suất thể hiện một tỷ lệ phần trăm của tiền gốc trong một khoảng thời gian nhất định (thường được tính theo năm).
Trong quan hệ hợp đồng vay tài sản, BLDS 2005 quy định:
1. Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
Tuy nhiên BLDS 2015 đã có sự điều chỉnh về mức tối đa của lãi suất do các bên thỏa thuận như sau:
1. Lãi
suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không
được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan
quy định khác...
Có thể thấy rằng, mức lãi suất này cụ thể hơn, không còn phụ thuộc vào lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước như quy định tại BLDS 2005.
BLDS 2015 nêu rõ: Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Như vậy bên vay và bên cho vay cần lưu ý đến giới hạn của lãi suất tối đa không quá 20%/năm (tương đương 1,7%/tháng).
Khi xem xét đến mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tại Quyết định 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010, mức lãi suất cơ bản là 9%/năm, tương đương 0,75%/01 tháng. Mức lãi suất theo BLDS 2005 là không quá 150% lãi suất cơ bản của ngân hàng, tức là không quá 13,5%/năm (tương đương là 1,125%/tháng)
So sánh quy định về lãi suất giữa BLDS 2005 và BLDS 2015 ta thấy: Hạn mức lãi suất tối đa theo BLDS 2015 đã được mở rộng hơn. Việc mở rộng về giới hạn mức lãi suất nêu trên mang lại nhiều thuận lợi khi xác lập hợp đồng vay tài sản: Minh bạch, rõ ràng, dễ áp dụng; các bên tham gia giao dịch vay tài sản có thể biết ngay hậu quả pháp lý khi ký xác lập và thực hiện hợp đồng; phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội hiện nay, hạn chế được tình trạng cho vay lãi nặng.
Thêm vào đó, BLDS 2015 chỉ ra khá rõ trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn (20%/năm) tại thời điểm trả nợ; khác với quy định tại BLDS 2005 là áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.
Theo Thư viện pháp luật