Bóng đá học đường
10/02/2017 11:41:54

18 bản án, quyết định được đề xuất phát triển thành án lệ

Ngày 14/9/2016, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với các bản án, quyết định dự kiến phát triển thành án lệ.

18 bản án, quyết định được đề xuất phát triển thành án lệ 

1.     Quyết định giám đốc thẩm số 28/2011/DS-GĐT ngày 18-8-2011 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tranh chấp quyền sở hữu nhà, đất”.

      Khái quát nội dung của án lệ:

         Tòa án phải hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án trước khi ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

2.     Quyết định giám đốc thẩm số 03/2014/DS-GĐT ngày 09-01-2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất”.

         Khái quát nội dung của án lệ:

·         Trường hợp nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước thuộc diện được bán cho người đang thuê dài hạn theo quy định của pháp luật mà người đang thuê dài hạn ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà đó trước khi được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà thì được coi là hợp đồng có điều kiện, không thuộc trường hợp vi phạm điều cấm của pháp luật.

·         Trường hợp trong hợp đồng chuyển nhượng các bên thỏa thuận thanh toán bằng vàng nhưng một bên thanh toán bằng tiền mà bên kia không phản đối thì được coi như thỏa thuận tương đương ra vàng và không bị coi là vi phạm hợp đồng.

3.     Quyết định giám đốc thẩm số 12/2012/DS-GĐT ngày 13-01-2012 của Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Đòi tài sản”.

Khái quát nội dung của án lệ:

Xác định trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất có điều kiện và trách nhiệm của bên được tặng cho (là con, cháu) trong việc bảo đảm chỗ ở, chăm sóc, nuôi dưỡng bên tặng cho (là ông bà, cha mẹ).

4.     Quyết định giám đốc thẩm số 52/2014/GĐT-DS ngày 21/11/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tranh chấp thừa kế tài sản”.

Khái quát nội dung của án lệ:

Trường hợp cha (mẹ) chết trước không để lại di chúc, sau đó người còn lại từ lúc còn sống cho đến khi chết đã đồng ý cho con làm nhà trên đất, không đòi lại quyền sử dụng đất và người con đã kê khai đăng ký quyền sử dụng đất thì phải xác định là người chết sau đã tặng cho phần tài sản của mình cho người con đó.

5.     Quyết định giám đốc thẩm số 126/2013/DS-GĐT ngày 23-9-2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sở hữu, sử dụng nhà”.

Khái quát nội dung của án lệ:

Trường hợp hợp đồng mua bán nhà được lập thành văn bản, có chữ ký của bên bán, ghi rõ bên bán đã nhận đủ tiền, bên mua tuy chưa ký tên trên hợp đồng nhưng là người giữ hợp đồng và đã quản lý, sử dụng nhà ở ổn định trong thời gian dài mà bên bán không có tranh chấp đòi tiền mua nhà thì hợp đồng vẫn có giá trị xác định bên mua đã trả đủ tiền cho bên bán và ý chí của bên mua đồng ý với hợp đồng mua bán nhà đó.

6.     Quyết định giám đốc thẩm số 143/2013/DS-GĐT ngày 13-11-2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tranh chấp hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất”.

Khái quát nội dung của án lệ:

Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất vô hiệu khi người được tặng cho không đủ điều kiện để sở hữu nhà ở tại Việt Nam; lỗi làm hợp đồng vô hiệu thuộc về cả hai bên.

7.     Quyết định giám đốc thẩm số 83/2013/DS-GĐT ngày 08-7-2013 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án dân sự “tranh chấp về thừa kế tài sản”

Khái quát nội dung của án lệ:

Trong vụ án tranh chấp di sản thừa kế, nếu người quản lý, trông coi di sản thừa kế đã cho thuê nhà đất là di sản thừa kế để hưởng hoa lợi thì không phải trích công sức quản lý, trông coi di sản mà chỉ xem xét, tính toán phần sửa chữa, tôn tạo, xây dựng đối với di sản thừa kế đó (nếu có).

8.     Quyết định giám đốc thẩm số 26/2013/DS-GĐT ngày 22-4-2013 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án dân sự "Tranh chấp di sản thừa kế".

Khái quát nội dung của án lệ:

Trong vụ án tranh chấp di sản thừa kế, có người thừa kế có công chăm sóc, nuôi dưỡng người để lại di sản thừa kế và có công quản lý di sản thừa kế thì phải trích công sức chăm sóc cha mẹ và quản lý di sản cho họ trước khi chia giá trị di sản còn lại cho các đồng thừa kế.

9.     Bản án hình sự phúc thẩm số 03/2014/HSPT1 ngày 12-6-2014 của Tòa án quân sự trung ương về vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Khái quát nội dung án lệ:

Trường hợp có hành vi gian dối chiếm đoạt tiền của người khác nhưng sau đó đã trả lại trước khi khởi tố vụ án thì số tiền đó không được tính để xác định trách nhiệm hình sự đối với bị cáo và cũng không được cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả theo điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự đối với số tiền các bị cáo trả trước khi bị khởi tố vụ án và không bị truy tố.

10.  Quyết định giám đốc thẩm số 23/2015/HS-GĐT ngày 17-12-2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Giết người”

Khái quát nội dung của án lệ:

Trường hợp bị cáo chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt, đã được nạn nhân xin lỗi, đồng thời có sự can ngăn của nhiều người nhưng vẫn quyết tâm thực hiện hành vi phạm tội gây hậu quả chết người thì phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội giết người” với tình tiết định khung là “Có tính chất côn đồ”.

11.  Quyết định giám đốc thẩm số 06/2016/HS-GĐT ngày 16-6-2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án hình sự đối với Trịnh Văn Thanh về “Tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai”

Khái quát nội dung của án lệ:

Việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với phần quyết định xử lý vật chứng trong bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà không gây bất lợi cho người bị kết án và những người có liên quan thì có thể được tiến hành bất cứ lúc nào
 

12.  Quyết định giám đốc thẩm số 29/2010/HS-GĐT ngày 01-11-2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án hình sự đối với Lê Thị Lan Anh về “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”

Khái uát nội dung của án lệ:

Trường hợp hợp đồng lao động phải lập thành văn bản theo quy định của pháp luật nhưng người lao động/người làm công và người sử dụng lao động không xác lập hợp đồng lao động bằng văn bản mà người lao động/người làm công gây thiệt hại trong khi thực hiện công việc được giao thì người sử dụng lao động phải bồi thường thiệt hại và có quyền yêu cầu người lao động/người làm công có lỗi trong việc gây ra thiệt hại phải hoàn trả theo quy định của pháp luật.

13.  Bản án hình sự phúc thẩm số 01/2015/HS-PT1 ngày 14-01-2015 của Tòa án quân sự Trung ương về tội “Cướp giật tài sản".

Khái quát nội dung án lệ:

Trường hợp bị cáo dùng mô tô, xe máy để cướp giật tài sản của người đang đi bộ trong điều kiện không có người khác lưu thông trên đường, không làm cho người bị hại ngã hay thương tích, ít khả năng gây nguy hiểm cho người khác thì chỉ áp dụng khoản 1 Điều 136 Bộ luật hình sự để xét xử đối với người thực hiện hành vi phạm tội mà không thuộc trường hợp “Dùng thủ đoạn nguy hiểm” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 136 Bộ luật hình sự.

14.  Quyết định giám đốc thẩm số 12/2013/KDTM-GĐT ngày 16-5-2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án kinh doanh, thương mại "tranh chấp về hợp đồng tín dụng"

Khái quát nội dung của án lệ:

Xác định mức lãi suất đối với số tiền nợ gốc chưa thanh toán mà khách hàng vay phải thanh toán kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm.

15.  Quyết định giám đốc thẩm số 02/2014/KDTM-GĐT ngày 09-01-2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”.

Khái quát nội dung của án lệ:

Hợp đồng thế chấp tài sản được ký kết đúng quy định của pháp luật thì có hiệu lực pháp luật ngay cả khi thuộc trường hợp phải đăng ký giao dịch bảo đảm nhưng đã không được đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật.

16.  Quyết định giám đốc thẩm số 07/2013/KDTM-GĐT ngày 15-3-2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án kinh doanh, thương mại “Tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa”

Khái quát nội dung của án lệ:

·         Trường hợp hợp đồng mua bán hàng hóa bị vi phạm do bên bán không giao hoặc không giao đủ hàng cho bên mua thì bên bán phải hoàn trả số tiền ứng trước cho bên mua và phải trả tiền lãi do chậm thanh toán số tiền đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường bằng mức lãi suất nợ quá hạn trung bình của ít nhất ba Ngân hàng tại địa phương (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam,...) tại thời điểm thanh toán (xét xử sơ thẩm), trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

·         Trường hợp hợp đồng mua bán hàng hóa có phát sinh nghĩa vụ trả tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại thì Tòa án không được tính lãi trên số tiền phạt vi phạm, tiền bồi thường thiệt hại đó. 

17.  Quyết định giám đốc thẩm số 10/2016/KDTM-GĐT ngày 20-5-2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”

Khái quát nội dung của án lệ:

Hợp đồng thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất đã được công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm và đáp ứng đủ các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thì việc bên nhận thế chấp định giá nhầm tài sản thế chấp không làm vô hiệu hợp đồng thế chấp đó.

18.  Quyết định giám đốc thẩm số 08/2014/HC-GĐT ngày 19-8-2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án hành chính “Khiếu kiện Quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất”.

Khái quát nội dung án lệ:

Trường hợp Quyết định về việc phê duyệt phương án hỗ trợ và tái định cư của Ủy ban nhân dân tỉnh có nội dung dẫn chiếu đến văn bản khác mà văn bản đó có nội dung tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của người khởi kiện thì quyết định này là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.

 

Theo thukyluat.vn